Thứ Bảy, 28 tháng 4, 2012

HỒI ỨC CỦA TÔI Ở TRUNG ĐOÀN 30


                                    HỒI ỨC CỦA TÔI Ở TRUNG ĐOÀN 3O
     Đầu năm 1973 Trung đoàn bộ trung đoàn 30 về đóng quân tại con sông Nậm Cốc, con sông ày mùa khô thì rất hiền lành, nước trong vắt và nông thôi. Thế mà mùa mưa sao nó hung dữ vô cùng, nước đỏ ngàu cuồn cuộn chảy thật là khủng khiếp. Nhưng bù lại 2 bên bờ sông măng le nhiều vô kể, loại măng ngọt dễ ăn không đầy bụng mà chỉ có ở rừng Lào, mà nhất lại là ở 2 bên bờ sông Nậm Cốc- nơi Trung đoàn đóng quân mới nhiều như vậy. Ngày nào không phải đi kiểm tra tuyến đường thì lại cùng anh em nuôi quân ra bờ sông lấy măng về cải thiện.
    Năm nay ở Lào im hẳn tiếng máy bay vì (Mĩ đã ký hiệp định ngừng bắn với Lào) nên Trung đoàn chỉ còn lo đánh quân thám báo, biệt kích và Phỉ Hoàng Pao thôi để bảo vệ cho các đoàn quân đi vào phía trong.
    Khoảng thời gian này, Trung đoàn 30 vinh dự được đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào thăm. Xe của Trung đoàn đưa chính ủy cùngTrung đoàn trưởng ra ngầm Tà Lê để đón đoàn.
Vì an toàn của chuyến đi xe phải qua đoạn đường dài 50km, dưới lòng con  suối cạn, nước săm sắp chỉ 20 phân, đá cuội lởm chởm thật khó đi Xe cứ lắc ngang, lắc dọc, nhảy chồm chồm, người mệt lả. Hôm nay không thấy chính ủy tán chuyện và cười nữa vì đường quá khó. Thế rồi cũng đến được địa điểm đón đoàn là đỉnh đèo Phu Li Nhích- 1 trọng điểm trên đường 20 Quyết Thắng. Mà cách ngày đón đoàn khoảng 3 năm thì nơi đây vô cùng ác liệt. Cú 15 phút lại có 1 trận bom tọa độ và B52 rải thảm nên bây giờ giũa ban ngày đất đỏ quạch vẫn còn khét lẹt mùi thuốc bom. Đứng trên đỉnh đèo cứ nghĩ mãi cái ngày nhập tuyến năm 1970 nó kinh sợ thế nào.
    Thế rồi đoàn xe của đại tướng đến nhìn những chiến sĩ công binh ăn mặc chỉnh tề, tay cầm 2 lá cờ đỏ phất chỉ đường mà thấy uy nghiêm vô cùng. Xe của Trung đoàn đi đầu đi đoàn khách về Trung đoàn Bộ. Trong đoàn của Đại tướng có nhà thơ Chế Lan Viên, đúng là nhà thơ cách mạng, con người bình dị nhưng xuất khẩu thành thơ. Lúc đó chính ủy Thảo vui quá có hỏi: “Năm nay anh bao nhiêu tuổi rồi, gia đình ra sao?”. Nhà thơ Chế Lan Viên đọc ngay: “ Trải qua 27 năm trường
              Ăn cơn tập thể nằm giường cá nhân”
Chính ủy Thảo cười cười, hình như chính ủy đã hiểu, còn tôi thì trả biết thế nào gia cảnh làm sao mà tính tuổi cho nhà thơ.
    Hôm sau, đoàn khách của Đại tướng lên đường đi thăm đơn vị khác. Còn Tôi được lệnh đưa chính ủy và Trung đoàn trưởng đi Quảng Bình. Xe chạy một ngày đến chiều tối mới tới bến phà Long Đại, sang bên kia là xã Hiền Linh, huyện Lệ Thủy, nơi Bộ tư lệnh 559 đại hội tổ chức mừng công. Năm nay Bộ tư lệnh 559 mở Đại hội thật là hoành tráng, băng rôn khẩu hiệu, cờ rực rỡ một màu đỏ. Điện kéo thắp sáng cả xã Hiền Linh mà chỉ bằng hai máy phát điện. Tất cả chúng tôi ở chienfs trường về dự hội nghị cùng người dân xã Hiền Linh thì thấy một điều mới lạ.
     Ngay chiều hôm mới đến, các đại biểu dự hội nghị mỗi người được phát một bộ quân trang, một đôi giày đen. Tối hôm ấy chính ủy bảo”đã lâu rồi tớ mới được đi một đôi giày đen đẹp thế,thôi đi luôn nằm ngủ cho nó bõ…còn đôi giày cũ tớ cho cậu”. Suốt ba ngày đại hội mừng công, sáng ra hai thủ trưởng thì đi họp, còn tôi thì cứ đi xem các đoàn văn công từ Bắc vào biểu diễn. Cái đêm thứ ba thật là đáng nhớ. Để chào mừng thành công đại hội, hình như Bộ tư lệnh 559 dồn tất cả vào những màn pháo hoa cực kỳ đẹp mắt, sáng rực cả vùng hai bên bờ sông Long Đại. Mà mấy năm tước haui bên bờ sông này đầy bom từ trường hòng ngăn chặn những đoàn xe của đoàn 559 ra trận. Đó là những điều thật là ý nghĩa trên dòng sông của xã Hiền Linh, Lệ Thủy, Quảng Bình.
    Hôm sau chính ủy nói “bây giờ chúng ta về thăm quê”. Thế là tất cả đều vui sướng. Sau mấy năm trời xa nhà đi chiến đấu, bây giờ về thì không biết gia đình vui mừng đến đâu. Chả thế mà trên đường từ Quảng bình về đến bến phà Phả Lại, mới có khoảng 4 giờ chiều nhưng xe chúng tôi lại phải chờ phà lâu quá, sao hôm nay bến phà đông xe thế mà phà thì lại chạy chậm, sang đến bên kia sông đã hơn 5 giờ chiều rồi. Ngồi trên xe chính ủy nói “ đến đây tớ thuộc đường rồi,cậu chạy thẳng về nông trường chè Sao Đỏ. Chính ủy vào nhà còn tôi quay đầu xe cùng Trung đoàn trưởng về Hiệp Hòa,Hà Bắc kẻo trời muộn, bến phà lại đông. Đấy,ở chiến trường ra về thăm quê là thế đó, toàn vội vàng thôi.
     Sau hai mươi ngày về thăm nhà, hôm nay là đến ngày vào đơn vị. Tôi và Trung đoàn trưởng vào đón chính ủy đi cũng là chiều rồi. Lần này đàng hoàng hơn còn vào nhà nước nôi nhưng cũng chỉ khoảng một tiếng. Tối hôm đó ra ăn cơm và ngủ ở Hà  Nội nhà số 3 trên đường Ông Ích Khiêm, hồi đó thoáng đãng lắm, xe đỗ cả đêm chẳng làm sao. Nhưng tối hôm đó thì tôi lại bị sốt rét ngủ ngoài xe người run cầm cập. Cứ tưởng là hôm sau không đi được. Chính ủy vào lấy thuốc sốt rét cho tôi uống để sáng hôm sau còn tiếp tục hành quân. Nhưng không sao người lính đã quen với sốt rét rồi.
    Vào đến đơn vị lúc này theo yêu cầu của cấp trên. Trung đoàn 30 chuyển quân từ nước bạn Lào về Quảng Nam. Bảo vệ và nâng cấp con đường 14 mà các nhà thơ thường gọi là Đông Trường Sơn đấy.
    Trung đoàn về đóng quân tại một khu rừng còn nguyên sinh, nhiều cây cổ thụ toàn là lim, sến, táu. Đặc biệt ở đây có một loại cây ăn quả rất ngon. Bộ đội ta ăn đến no bụng mà không làm sao cả. Nguời dân Quảng Nam gọi là quả Boòng Boong. Từ những cây gỗ lim ấy trung đoàn đã bắc một cây cầu phao qua dòng sông Bung. Thế là các đoàn xe pháo nuờm nuợp qua cầu mà không gặp một trở ngại nào.
    Đầu xuân năm sau tôi đưa đoàn cán bộ trung đoàn ra Quảng Bình công tác 15 ngày. Về đến trung đoàn bộ tôi cầm gói thuốc lào Thanh Hoá đến phòng “Anh Việt” rủ cùng lên biếu chính uỷ Thảo quà từ Quảng Bình vào. Anh Việt nói “chính uỷ Nguyễn Hữu Thảo đã chuyển đơn vị khác rồi, mới đi đựoc năm hôm thôi”.
   Thế là từ đây tôi không biết chính uỷ ở đâu? Cuộc đời thủ trưỏng và ngưòi lính cạn vệ chia tay nhau thật là đơn giản thế. Những ký ức về ông cứ theo tôi suốt hành trình. Mãi đến năm 2009, tôi và Thế mới biết đựoc ông đã yên nghỉ ở Thành phố Nha Trang.
Tất cả những kỷ niệm thời máu lửa của Ông và những ngưòi lính trung đoàn 30 vẫn còn nguyên vẹn…
                                         

                                                               HẾT
                                                                          Bắc Giang, ngày 28 tháng 04 năm 2012
                                                                                                 Ngưòi viết
                                                                                              Hà Văn Phong

Thứ Tư, 30 tháng 11, 2011

Nhớ lại Trường Sơn

NHỚ LẠI TRƯỜNG SƠN

Trường Sơn nhớ lại hôm nay
Mà lòng vẫn thấy mê say lạ lùng
Trường Sơn vượt dốc băng sông
Xe đi trăm ngả chiến công bốn mùa

Trường Sơn Đông nắng, Tây mưa
Ai chưa đến đó như chưa rõ mình
Mở đường chiến sĩ công binh
Xuyên rừng, vượt núi, băng mình qua sông

Con đường huyền thoại Tây - Đông
Đi vào lịch sử giữa lòng nhân dân
Giao liên dẫn những đoàn quân
Ngày đêm rầm rập bước chân oai hùng

Quân đi nghiêng núi, cạn sông
Bom nào ngăn được tấm lòng hậu phương
Hậu cần xây dựng kho lương
Biết bao Binh trạm, cùng đường xe đi

Dốc quanh sườn núi, rừng le
Hàng nhiều vô tận đoàn xe đi về
Binh trạm hầm lán, quân y
Chăm lo, cứu chữa khác chi mẹ hiền

Đón đưa anh chị giao liên
Nuôi quân như thể chị hiền nuôi ta
 Lán tre rộn rã tiếng ca
Tiếng cười của lính vang xa núi ngàn

Thông tin liên lạc bền gan
Ngày đêm truyền lệnh dưới làn bom rơi
 Tin đi, tin đến mọi nơi
An toàn, chính xác, kịp thời chỉ huy

Xăng dầu đường ống diệu kỳ
Đạn bom cày xới vẫn đi đàng hoàng
Trường Sơn đường ống dọc ngang
Xăng dầu tiếp đủ, xe hàng nặng hơn

Đường đi pháo sáng chập chờn
Đèn rùa xe vượt dốc trơn, ngầm lầy

Vô lăng cầm vững chắc tay
Vi vu xe chạy chở đầy chiến công

Đội quân vận tải đường sông
Ngày đêm thả túi ni-lông chuyển hàng

Đạn bom Mỹ đánh chặn đường
Sông sâu thác đổ khôn lường hiểm nguy

Nước trôi cuồn cuộn cuốn đi
Vô vàn chướng ngại, sức ỳ cản ngăn

Xê-Công, Xê-Noọng, Xê Pôn
Chiến trường vẫy gọi hàng luôn xuôi dòng

Đường mòn xe đạp tiến công
Phượng Hoàng, Vĩnh Cửu ung dung thồ hàng

Vượt qua từng trạm, cung đường
Góp phần chi viện chiến trường thắng to

Chân đồng chiến sĩ gùi thồ
Vai mang vác năng, vượt qua thác ghềnh

Đường dài giục bước chân nhanh
Anh đi gấp mấy vòng quanh địa cầu

Hỏi rằng có ở nơi đâu
Chân đi, đi cả bằng đầu nữa không ?
Bộ binh, trinh sát, đặc công
Quyết tiêu diệt địch, truy lùng dẻo dai

Vượt qua đèo dốc, núi đồi
Bàn chân toạc máu, sục sôi đuổi thù

Gạo rang, nước suối, lương khô
AK nòng thép sáng lòa xung phong

Pháo binh cao xạ anh hùng
Ngày đêm chiến đấu giữ đường xe đi

Mưa bom bão đạn hiểm nguy
Hiên ngang đối mặt, sá chi giặc trời

Pháo binh gan dạ tuyệt vời
Máy bay giặc Mỹ đen trời xé mây

Gầm gào, quần đảo, dương oai
Pháo binh nhằm thẳng máy bay quân thù

Hờn căm xiết mạnh chân cò
Máy bay trúng đạn cháy to rực trời
Trường Sơn mấy chục năm rồi
Mà lòng vẫn thấy bồi hồi nhớ nhung

Năm xưa ta đã cùng chung
Chiến hào đánh Mỹ giữa vùng núi non

Biết bao đồng đội mất còn
Tuổi trai trí dũng lòng son vững bền

Nay về ta vẫn không quên
Cùng nhau nhớ lại nơi miền núi xa

Một thời nơi ấy là nhà
Một thời nơi ấy cùng ta đánh thù

Trường Sơn rừng núi âm u
Ruồi vàng, muỗi, vắt, nắng mưa dữ dằn

Từ ngàn xưa vắng dấu chân
Nơi đây chỉ có gió vần, mây bay

Từ ngày xuất hiện bàn tay
Bước chân người lính, nơi đây chuyển mình

Trường Sơn hùng vĩ trở thành
Con đường huyền thoại mang danh Bác Hồ.

                                  Chí Linh, ngày 19 tháng 5 năm 2011
Nguyễn Văn Thế

Thứ Bảy, 1 tháng 10, 2011

HỒI ỨC CỦA TÔI Ở TRUNG ĐOÀN 30

      Cuối năm 1972, Trung đoàn 30 đi mở tiếp con đường 128B, nó chạy song song với đường 128 nhưng  xuyên qua nhiều rừng nguyên sinh thật là kín đáo. Thời kỳ này Trung đoàn bộ về đóng quân tại trạm giao liên 36. Nơi đây có đường dây trần chạy qua giữa những cánh rừng còn nguyên vẹn của hoang sơ. Dưới tán rừng chen lẫn những búi lồ ô. Sao mà măng nhiều đến thế. Bấy giờ đơn vị chỉ có ăn măng và rau tàu bay nhạt thếch và thịt hộp với mắm tôm bánh. Lúc này là đỉnh cao của cuộc chiến tranh nên rất ác liệt. Nhiệm vụ của Trung đoàn nặng nề, thực phẩm thiếu thốn, bệnh sốt rét hoành hành, nhưng Trung đoàn 30 vẫn tràn đày khí thế của cuộc trường chinh đi giải phóng miền nam
       Để nâng cao tinh thần, ý chí, vui tươi trong đời chiến sỹ,  năm đó CHÍNH UỶ cho hội diễn văn hoá văn nghệ toàn Trung đoàn. Thế là lời ca, tiếng hát của những người lính trẻ cứ vang mãi bên rừng Trường Sơn hùng vĩ. Đội văn nghệ Trung đoàn bộ hồi đó (Thế, Phong, Giai,  Dưỡng,  Tuyển quêThái Bình) nhận được rất nhiều lời khen của CHÍNH UỶ.
       Thế rồi khi con đường được mở xong,  bắt đầu cho xe chạy thì lại bị máy bay địch phát hiện. Chúng đánh phá vô cùng ác liệt. Sáng hôm ấy, được tin đơn vị báo lên Dốc 128 bị máy bay địch đánh tắc đường. Thế là tôi đưa xe  đón CHÍNH UỶ và TRUNG ĐOÀN TRƯỞNG ra hiện trường. Đây lại là cái dốc cao và dài nguy hiểm vậy vẫn còn những gốc cây mà công binh cưa sát đất, rất gập ghềnh. Xe đang xuống lưng chừng dốc bỗng cứ lao như tên bắn xuống quá nhanh, tôi không thể làm gì được để cho xe dừng lại. Hai thủ trưởng và anh  Năng  -  cán bộ tham mưu trung đoàn hốt hoảng lắm. Trên đầu máy bay đich quần đảo xé trời. Tôi mặt tái mét chắc có cắt thì chẳng còn bao nhiêu máu. Trong đầu đã nghĩ nguy rồi, nhưng bỗng trước mắt đã phát hiện thấy có  búi  lồ ô to, thế là tôi đánh tay lái vào đó (May sao trời vẫn phù hộ ), chiếc xe lao vào và bồng bềnh trên búi lồ ô đã lướt rạp. Một lúc sau mới hoàn hồn, chả ai nói với ai câu nào. Sau đó đơn vị cho xe tải ra kéo lùi lại. Rất may là xe không hỏng hóc gì và chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình. Thế rồi CHÍNH UỶ lên xe mắng và phê bình tại sao lại để như vậy. Tôi chỉ ấp úng thưa: xe đã phanh hết cỡ mà không dừng được thủ trưởng ạ. Mãi sau, TRUNG ĐOÀN TRƯỞNG nói: chắc là do đường sóc quá nên đầu gối tớ đã đẩy vào cần số phụ nó ra mo đấy.  Bấy giờ CHÍNH UỶ cười cười và bảo: cậu phải rút kinh nghiệm ! Sao không buộc nó lại. Tôi chỉ vâng dạ, nhận khuyết điểm chứ biết biện hộ thế nào được đây?
      Đó là một Kỷ niệm của cuộc đời lái xe con ở chiến trường mà tôi không thể nào quên  được trước tấm  lòng bao dung độ lượng, thương chiến sỹ của CHÍNH UỶ NGUYỄN HỮU THẢO .....
                                                           (còn tiếp) 
                                                                                                                 Tân Thanh, ngày 1- 10- 2011

Thứ Năm, 1 tháng 9, 2011

HỒI ỨC CỦA TÔI Ở TRUNG ĐOÀN 30

      Vào năm 1972 trung đoàn 30 làm nhiệm vụ mở đường, chạy ngày từ ngã ba LÙM BÙM, qua bãi đá TÀ LÙNG vào SÊ MĂNG HIÊNG. Đây là nơi quá ác liệt, máy bay mỹ quần đảo suốt ngày đêm. Sao mà cái bãi đá to mà dài đến vậy. Hàng ngày các chiến sỹ của tiểu đoàn 21 công binh phải chặt cây rừng làm dàn mướp thay lá mới liên tục cho nó tươi để tránh sự phát hiện của máy bay giặc.
      Cứ mỗi lần đi kiểm tra đoạn đường từ bãi đá TÀ LÙNG về, hai thủ trưởng cứ nói chuyện vui vẻ trên xe, chính uỷ thì rất hay cười còn trung đoàn trưởng cứ đăm chiêu suy nghĩ, rồi ông NHÂM nói: "Thật đúng là trung đoàn ba không anh THẢO nhỉ". Hai thủ trưởng lại cười. Đột nhiên chính uỷ hỏi tôi: "Cậu về lái xe con cho chúng tớ có sướng không?". Tôi chả biết nói thế nào mà khẽ cười vì bấy giờ thủ trưởng và lính nghiêm lắm chỉ biết nghe thôi.
      Tôi từ lái xe tải về lái xe con có nhiều bỡ ngỡ lắm...đúng từ đi lính có bao giờ được gặp và tiếp xúc với các thủ trưởng cấp trên đâu. Mỗi lần đi kiểm tra các đơn vị trong trung đoàn thì chiếc xe của tôi vừa đến là đồng chí cảnh vệ mở BARIE luôn, chẳng cần kiểm tra gì hết vì họ quá quen thuộc về chiếc xe của các thủ trưởng trung đoàn rồi, vì đi đến đơn vị nào cũng mang đầy ắp tình cảm, lòng thương chiến sỹ mà chính uỷ đến rất hay tặng quà, dù chỉ là mấy bao thuốc lá.
      Tôi nhớ mãi hôm đi kiểm tra đường sao hôm ấy máy bay Mỹ nó lại đánh ác liệt thế, đường tắc hỏng nhiều xe không đi được, các đơn vị phải lo thông đường đến gần tối xe mới đi được. Về đến trung đoàn bộ, chính uỷ gọi anh CÔNG tham mưu trưởng trung đoàn triệu tập cuộc họp ngay.  Tôi về nhà ăn cơm tối song anh VIỆT rủ "Lên nhà cụ THẢO đi" tôi nói các thủ trưởng còn đang họp. Thế là anh VIỆT quay điện hỏi THẾ công vụ "Thủ trưởng còn thuốc lá không cho tớ một bao". Buồn cười là chính uỷ đã về và cầm ống nghe ông cười và nói: "Ra các cậu thông đồng với nhau hút hết thuốc của tớ hả?". Anh VIỆT cuống quýt vâng dạ nhưng chính uỷ nói ngay: "Thôi lên mà lấy". Thế là anh VIỆT lại sai tôi đi lấy thuốc. Tối hôm đó mấy anh em được bữa thuốc lá thoải mái vì chính uỷ chỉ hút thuốc lào thôi.
      Giữa năm 1972, con đường qua bãi đá TÀ LÙNG bị lộ, máy bay đánh phá liên tục nên cấp trên yêu cầu trung đoàn 30 mở con đường tránh, thế là công việc lại bắt đầu bận rộn. Sau một tuần thi công, tuyến đường gặp ngay một dãy núi đá chắn ngang. Ngày hôm sau, tôi đưa thủ trưởng ra hiện trường mới biết đó là dãy núi PỜ LU TUYÊA mà con đường phải đi qua về CỐC MẠC. Thật là khó khăn. Yêu cầu không được đánh mìn để không làm gãy cây rừng thì đường mới không bị hở. Các thủ trưởng còn đang hội ý thì đồng chí DUNG cán bộ khảo sát trung đoàn về báo cáo: "có một cụ già bản LÀO biết con đường mòn mà dân bản vẫn đi làm dẫy qua mỏm núi đá đó". Thế là các thủ trưởng vui mừng hiện rõ trên nét mặt. Chính uỷ nói ngay đồng chí DUNG "cử ngay người cáng già bản đi theo con đường đó mà đánh dấu lại". Vậy là con đường lại tiếp tục thi công rất thuận lợi.
      Để tiến độ mở đường rút ngắn, các thủ trưởng yêu cầu phải có băng rôn khẩu hiệu cho khí thế lên ca. Chính uỷ nói: "anh BAN đã nghĩ ra chưa? theo tớ khẩu hiệu đó là: "CHỌC THỦNG PỜ LU TUYÊA; TIẾN QUÂN VỀ CỐC MẠC".
      Từ khẩu hiệu đến hành động, cả trung đoàn hừng hực khí thế. Chỉ trong vòng có vài tuần, con đường tránh đi qua dãy PỜ LU TUYÊA đã thông về đến CỐC MẠC từ đấy các đoàn XE - TĂNG - PHÁO rầm rập đi vào chiến trường. TRUNG ĐOÀN 30 lại đi mở con đường khác con đường 128B

Ngày 1 tháng  9  năm  2011
Hà Văn Phong




Thứ Bảy, 27 tháng 8, 2011

NHỚ MÃI TRI ÂN

Quê tôi ở tỉnh BẮC GIANG
Sẽ chia tình cảm với làng tri ân
Tuy xa mà lại như gần 
Mỗi khi gặp,mặt,tình thân tuyệt vời 
Thầy TƯ,khuôn mặt ngời ngời 
Thầy TUÂN giọng nói như trời ban cho 
THẾ LAN năm liệu  mười lo 
Làm cho ,hội ngộ ,hát hò vui sao        
TÔ QUANG chất giọng ngọt ngào 
Gặp anh THANH DẠ thì tôi nao lòng 
Anh BIÊN chắc hẳn công đầu 
Còn anh MINH NGUYỆT hát câu quê nhà 
Chia tay hôm ấy hát ca 
Hẹn ngày gặp mặt đúng là TRI ÂN


ngày 27-8 -2011

ha v phong





Thứ Tư, 24 tháng 8, 2011

NHỚ LẠI MÙA XUÂN 1970 LÊN ĐƯỜG VÀO LÍNH

Như đại bàng dương cao đôi cánh
Bay đi xa,trong nắng bình minh
Khắp bốn phương trời trên đấi,nước mình
Cùng nối gót,theo chân,anh em tién bước
Biển bạc rừng xanh,mục tiêu phía trước
Ruộng đồng phì nhiêu,bát ngát chân trời
Bàn tay ta,xây dựng lấy cuộc đời
Chắc tay lái,vững tinh thần,ào ào,xốc tới
Thiếu thốn,bao nhiêu,đâu phải rào ngăn lối
Quần áo,TÔ CHÂU,chẳng xấu nét,hình hài
Đi đi thôi,vì hạnh phúc ngày mai
TO ĐEP ĐÀNG HOÀNG đó là lòi kêu gọi
Lý tưởng,niềm vui,sáng chói,lòng tin
Dân tộc,anh hùng và đảng quang vinh
Hội tụ,tất cả,bốn nghìn năm LỊCH SỬ
            
           Bắc Giang, ngày 24 tháng 8 năm 2011
                          Hà V Phong
        

Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2011

HỒI ỨC CỦA TÔI Ở TRUNG ĐOÀN 30

  Tôi Hà Văn Phong, sinh năm 1950, quê Tân Thanh, Lạng Giang, Bắc Giang.
  Mãi đến năm 1970, đang học kỳ cuối của trường cấp 3 Lạng Giang, Hà Bắc.
  Thế là tôi vào lính. Năm tháng huấn luyện ở trường lái xe 255 ở Sơn Tây. Hết khóa đơn vị cho về nhà 15 ngày phép rồi lên đơn vị nhận tư trang hành quân ngay. Sau hai ngày tôi đã có mặt ở đường 20 Quyết Thắng, vuợt ngầm Tà Lê, đèo Phu Li Nhich, qua ngã ba đường 9, leo đèo Tham Mé vào đến kho C1- đơn vị tôi ở đấy.
   C31 D61 Binh trạm 33 làm nhiệm vụ vận chuyển tất cả những gì mà hậu phương gửi vào chiến trường. Từ đây ở tuổi 20 tôi mới hiểu thế nào là chiến trường, ác liệt quá. Lúc này đã đến tháng 10 năm 1970.
   Sau mùa khô năm 1971, con đường chạy đêm không hiệu quả, xe cháy nhiều, hàng mất lắm. Vì máy bay C130 của địch làm chủ bâù trời. Từ đó cấp trên chuyển hướng chạy ngày.
   Thế là tôi được điều lái một chiếc xe Zin 157, tạm biệt C31 D61 đến ngầm Xê Măng Hiêng trực kích kéo những xe bị đổ, rệ tại ngầm.
   Vào một ngày đầu năm 1972 có một đoàn cán bộ từ Bắc vào Nam chiến đấu. Gồm 5 xe Gát 69 đến ngầm lúc đó khoảng nửa buổi sáng. Mức nước ngầm Xê Măng Hiêng lúc nào cũng ở khoảng 0,75m. Vì thế Tôi phải ra kéo xe. Đúng lúc đó một máy bay F4 lao tới gầm rít, thấy tình hình có nguy cơ bị lộ, tôi đề nghị với đoàn kéo cả năm xe một chuyến để đảm bảo thời gian vượt ngầm. Không ngờ gần sang hết sông gần bờ Nam, có một cua tay áo nước chảy siết. Đúng lúc đó thằng F4 lao tới, tiếng gầm rít tưởng bục màng tai. Thế là chiếc xe cuối cùng bị rệ xuống nước sâu không sao lên được. Tôi hét lái phụ xuống cắt cáp ngay để kéo 4 chiếc lên, rồi luì xe lại mới kéo được chiếc xe rệ lên. Trên trời lúc này thằng F4 vòng đi vòng lại nhiều lần, may mà nó không phát hiện được.
   Đoàn cán bộ miền Nam vui mừng khen ngợi rồi chia tay Tôi và tặng một tút thuốc lá Điện Biên. Đoàn đi rồi Tôi mới biết đó là Trung Tướng Trần Văn Trà vào Nam chiến đấu.
   Ngay ngày hôm sau Tôi được điều về Trung đoàn bộ Trung đoàn 30 để nhận một chiếc xe con Gát 69. Hôm sau nữa đi chuyến công tác đầu tiên với Thủ trưởng và 3 cán bộ khác. Vì thời gian gấp phải đi không nói chuyện và hỏi han được gì, Tôi chỉ biết có anh Việt ở Ban xe máy, còn Thủ trưởng ngồi ghế trước chỉ thấy nói tiếng miền Nam.
   Đến hôm sau Tôi mới hỏi thăm anh Việt ở Ban xe máy Trung đoàn. Mới biết đó là Chính Uỷ Nguyễn Hữu Thảo.
  Anh Việt kể: "ÔngThảo và ông Nhâm khen mày kéo xe đoàn miền Nam qua ngầm hôm nọ, nên điều mày về Trung đoàn bộ đấy". Từ đó Tôi trở thành người lính trung đoàn 30.
                                             
                                                                      (Còn tiếp)

                                              Bắc Giang, ngày 29 tháng 7 năm 2011
                                                      Người viết: Hà Văn Phong